#15. TRẺ EM TRƯỞNG THÀNH NHƯ THẾ NÀO PHỤ THUỘC VÀO PHONG CÁCH GIÁO DỤC
Thông qua những người tiếp xúc gần như cha mẹ, thầy cô, người chăm sóc mà trẻ học được rất nhiều điều - đặc biệt là cách ứng phó với cảm xúc.
Trong bài viết trước về đề tài “Bạn đang giáo dục trẻ theo phong cách nào?”, chúng ta đã cùng nhau nhận diện các phong cách cơ bản liên quan đến cảm xúc trong việc giáo dục trẻ. Ở bài viết này, mình sẽ phân tích những vấn đề mà cha mẹ và trẻ sẽ gặp phải khi theo đuổi từng phong cách giáo dục nhé.
Phong cách coi nhẹ cảm xúc: Trẻ không thực sự biết mình muốn gì.
Khi đối mặt với những vấn đề trong cuộc sống, những người theo phong cách coi nhẹ cảm xúc thường có xu hướng chối bỏ và phớt lờ cảm xúc của chính mình cũng như của con trẻ. Đối với họ, dường như tất cả những cảm xúc mang tính chất mạnh mẽ hay tiêu cực đều rất phiền phức. Tuy nhiên, điều mà họ không thể lường trước được chính là phản ứng thông minh của não bộ.
Ví dụ: Khi đứng trước một sự thay đổi lớn hoặc một thách thức lớn, cảm xúc bình thường của con người thường là: lo lắng, bất an hoặc căng thẳng. Thế nhưng, nếu được giáo dục dưới phong cách coi nhẹ cảm xúc từ cha mẹ, trẻ em sẽ KHÔNG cảm nhận được những cảm xúc thông thường ấy hoặc nảy sinh việc cấm bản thân có cảm giác như vậy. Mâu thuẫn giữa thực tế và những gì não bộ nhận được là “Mình ổn mà” - “Mình không ổn”. Tín hiệu nhiễu sóng đó sẽ được bộc lộ thông qua những hành vi như ăn đồ ngọt vô độ, mua sắm bừa bãi hoặc tệ hơn là nghiện ngập.
Trẻ em lớn lên cùng với những cha mẹ có phong cách coi nhẹ cảm xúc thường không học được cách điều hòa cảm xúc của chính mình và khó có thể hòa hợp được với người khác. Các bé dễ trở nên hờn dỗi hoặc cáu bẳn kể cả khi không có chuyện gì phức tạp. Vì không thể ứng phó được với “cơn bão cảm xúc” nên trong quá trình trưởng thành, đa phần các em không thể biết được mình thực sự muốn gì; không có chính kiến; hay để ý đến thái độ của người khác cũng như bị cuốn theo những ý kiến xung quanh.
Tiến sĩ Gottman đã từng nói về hiện tượng này như sau: “Vì GPS (hệ thống định vị) cá nhân không nằm bên trong chính mình nên người ta mới không thể tự quyết định được bản thân cần đi đâu và làm gì”
Phong cách phản đối cảm xúc: Trẻ gặp khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc của bản thân
Khi bố mẹ bảo “Nín!” thì phải nín ngay!
Cảm xúc đâu thể như cái công tắc điện bật tắt ngay được.
Phong cách giáo dục phản đối cảm xúc truyền tới trẻ một thông điệp rằng: Nếu gặp khó khăn mà nhờ giúp đỡ thì chỉ có ăn mắng thêm thôi. Do vậy, trẻ sẽ lựa chọn chịu đựng một mình.
Vì cảm xúc thường xuyên bị chối bỏ nên khi xảy ra tranh cãi, đại đa số trẻ sẽ không biết mình nên có tâm trạng gì, cảm xúc ra sao và đối mặt như thế nào. Cách thức điều tiết không đúng khiến trẻ thường phải xả những kìm nén, bức xúc ra ngoài thông qua việc đôi co, tranh cãi hoặc có khả năng cao là sẽ thực hiện những hành vi xấu như khiêu khích, công kích và đánh nhau.
Nếu là con gái thì các bé thường sẽ có những đánh giá tiêu cực về bản thân và dễ mắc phải chứng trầm cảm.
Phong cách tự do cảm xúc: Trẻ nghĩ rằng mình muốn làm gì cũng được.
Như đã nói ở bài trước, phong cách tự do cảm xúc có ưu điểm là giúp trẻ biết đón nhận và hiểu rằng mình có thể có bất kì cảm xúc nào. Tuy nhiên mặt trái của phong cách giáo dục này là sẽ khiến trẻ hiểu lầm rằng mình có thể hành động tùy ý ngay cả khi xúc động mạnh. Các bé sẽ không biết cách làm thế nào để bình tâm lại. Khả năng cao là trong quá trình trưởng thành, trẻ sẽ hình thành nên tư tưởng tự coi mình là trung tâm và phớt lờ cảm xúc của người khác. Hậu quả là các bé khó có thể tập trung trong học tập (vì nương theo sự chi phối của cảm xúc) hay khả năng cao con sẽ trở thành nạn nhận của nạn bắt nạt học đường.
Phong cách huấn luyện cảm xúc: Trẻ biết cách phân biệt cảm xúc và hành động.
Những đứa trẻ được giáo dục bằng phong cách huấn luyện cảm xúc sẽ học được cách coi trọng, tin tưởng cảm xúc của bản thân và tôn trọng cảm xúc của người khác. Đây là một điều vô cùng quan trọng bởi trẻ sẽ biết cách phân biệt giữa cảm xúc và hành động; vừa có sự tự tin, chính kiến nhưng trẻ cũng biết cách dừng lại trước giới hạn đúng - sai của hành vi.
Khi đối mặt với những cảm xúc mạnh như tức giận, ghen tị, sợ hãi hay buồn bã, trẻ vẫn có thể giãi bày với người lớn bởi con hiểu rằng dù có cảm xúc nào đi chăng nữa, con vẫn được yêu thương, tôn trọng và hơn nữa là được lắng nghe những lời khuyên hữu ích từ cha mẹ và thầy cô. Điều này chính là yếu tố tiền đề giúp xây dựng những mối quan hệ lành mạnh, tốt đẹp xung quanh trẻ, góp phần củng cố thêm niềm tin lẫn nhau.
Bên cạnh đó, trẻ còn học được cách bình tĩnh đối mặt với vấn đề đang diễn ra, tự mình suy nghĩ và đưa ra cách giải quyết. Các bé đồng thời cũng biết quan tâm đến người khác, kiềm chế bản thân để có những hành vi phù hợp.
Thông qua những người tiếp xúc gần như cha mẹ, thầy cô, người chăm sóc mà trẻ học được rất nhiều điều - đặc biệt là cách ứng phó với cảm xúc. Dựa vào quan sát, các bé sẽ nhận ra mình cần làm gì trong những tình huống cụ thể. Vì vậy, câu hỏi đầu tiên mà người lớn cần đặt ra trong đầu là: Thông điệp hành vi mà mình đang truyền tới con là gì? Mình hi vọng rằng mỗi người lớn trước những vấn đề của trẻ hãy hít một hơi thật sâu, học cách bóc tách CẢM XÚC và HÀNH VI để có thể lựa chọn những phương án giao tiếp tích cực nhất với những em bé đang học cách trưởng thành của mình nhé.